-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí châu Á-Thái Bình Dương (Kỳ II)
Đăng bởi zoditech vào lúc 29/09/2021
Trang tin năng lượng NGV mới đây đã có bài viết mới về vai trò của Trung Quốc, Mỹ, Nga trên thị trường dầu khí toàn cầu đang thay đổi.
Chuyển đổi năng lượng
Để ngăn chặn viễn cảnh này xảy ra, Mỹ đang cố gắng biến Đài Loan thành một nơi trưng bày sự thành công trong đầu tư của mình. Điều này phải dựa trên quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng, bất chấp việc Trung Quốc đang trì hoãn việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris.
Hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden không có khuynh hướng ưu ái với các dự án nhiên liệu hóa thạch mới trong nước. Thay vào đó, chính quyền Mỹ đang nghiêng về việc xoa dịu các đảng viên Dân chủ bằng cách đóng cửa các dự án như đường ống Keystone XL và chấm dứt hợp đồng thuê thăm dò ngoài khơi Alaska. Nhưng trong trường hợp xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Đài Loan, chính quyền Mỹ có thể sẽ chú trọng việc giảm lượng khí thải CO2. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Đài Loan sử dụng 46% nguồn điện năng đến từ than đá, đi ngược với tuyên bố về mục đích thiết lập lại lượng khí thải CO2 vào năm 2050 của chính quyền đảo này.
Trong các năm 2015-2019, lãnh thổ Đài Loan đã sử dụng nhiều than hơn bất kỳ giai đoạn 5 năm nào khác trong lịch sử của mình. Năm 2018, sản xuất điện than thiết lập kỷ lục 131 tỷ KWh. Kết quả là lượng khí thải carbon của hòn đảo này tăng mạnh. Theo IEA, lần đầu tiên lượng khí thải của Đài Loan vượt quá 250 triệu tấn vào năm 2016. Nói cách khác, lượng khí thải bình quân đầu người và tổng lượng phát thải carbon của Đài Loan đã cao gần gấp đôi so với mức của năm 1990. Chính vì vậy, kế hoạch của Mỹ hứa hẹn sẽ sớm thay đổi ngành công nghiệp điện than của lãnh thổ này thông qua đảm bảo nguồn cung LNG với giá ưu đãi, phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió.
Nguồn khí đốt “dân chủ” của Mỹ
Khí đốt được ưu tiên không phải là nhiên liệu mới của Đài Loan. Hơn nữa, kể từ năm 2006, nó đã vượt qua điện hạt nhân về tỷ trọng trong cán cân năng lượng. Ngày nay, khí đốt chiếm 1/3 "giỏ nhiên liệu" của hòn đảo, và người Mỹ hứa hẹn, con số này sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Tuy nhiên, việc khí hóa Đài Loan không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ kinh tế mà còn là nhiệm vụ chiến lược quân sự của Mỹ. Cường quốc này muốn các nước châu Á hiểu rằng, chỉ có họ mới có thể đóng vai trò đảm bảo nguồn cung năng lượng cho khu vực. Thực tế cho thấy, an ninh năng lượng của Trung Quốc đang bị đe dọa bởi hai lý do. Thứ nhất là tình hình bất ổn định ở Vịnh Ba Tư khi Mỹ không muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran. Thứ hai là nguy cơ các tuyến đường biển của Trung Quốc bị phong tỏa.
Đài Loan đang phải nhập khẩu tới 99% lượng khí đốt tiêu thụ và lãnh thổ này có kế hoạch vận hành cảng LNG thứ ba và lớn nhất trong năm 2023. Qatar hiện đang cung cấp khoảng 30% sản lượng LNG nhập khẩu của Đài Loan (khoảng 18 triệu tấn/năm) và là nhà cung cấp khí đốt chính. Tuy nhiên, điều này dường như không phù hợp với lợi ích của Mỹ. Việc Qatar đóng vai trò là đối tác chính tại Diễn đàn kinh tế Saint-Petersburg 2021 tại Nga mới đây đã khiến chính quyền Mỹ “không hài lòng”. Mỹ cũng “không hài lòng” khi 14% sản lượng khí đốt nhập khẩu của Đài Loan đến từ Nga. Xét cho cùng, mặc dù Mỹ đã tăng gấp đôi nguồn cung cấp LNG (từ 500.000 tấn/năm lên 1 triệu tấn/năm) cho Đài Loan, song thị phần này của Mỹ quá nhỏ, chỉ ở mức 6%. Do đó, mục tiêu chính của Mỹ là tăng đáng kể nguồn cung LNG đến đây. Các chuyên gia của Quỹ Carnegie quốc tế trong nhận định, liệu khí đốt của Mỹ có phải “thuốc chữa bách bệnh” cho Đài Loan cho rằng, nếu tình hình chính trị ở Trung Đông xấu đi, điều này sẽ ảnh hưởng đến các đối tác LNG của Đài Loan ở khu vực Vịnh Ba Tư. Nói cách khác, căng thẳng chính trị có thể vượt qua tầm kiểm soát và những cam kết của Mỹ.
Một điểm đáng chú ý khác là sự tăng cường hợp tác giữa chính quyền Đài Loan và Mỹ khiến căng thẳng chính trị gia tăng giữa lãnh thổ này và Trung Quốc đại lục. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những tuyên bố về chủ quyền, lãnh thổ Đài Loan từ Trung Quốc đại lục đã mạnh mẽ nhiều hơn trước. Do đó, Đài Loan đã tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ với Mỹ, đưa vấn đề chủ quyền vào các chương trình nghị sự quốc tế của Mỹ. Trong mùa hè năm 2021, lo ngại về sự tăng cường hợp tác Nga - Trung Quốc, phía Mỹ đã dành nhiều sự quan tâm hơn đến vấn đề của Đài Loan. Một mặt, chính quyền Mỹ dường như muốn “cải thiện” đối thoại với Trung Quốc, mặt khác họ vẫn tiếp tục một cuộc chơi với Đài Loan. Trong khi đó, tình hình địa chính trị khu vực thúc đẩy Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga, đối tác có nguồn lực tài nguyên dồi dào.
Lực đẩy của Tổ hợp nhiên liệu - năng lượng của Nga ở phía Đông
Những âm mưu chống lại ngành công nghiệp năng lượng của Nga trên trường quốc tế đang góp phần củng cố vị thế toàn cầu của nước này. Việc cố gắng loại bỏ các nguồn năng lượng của Nga ra khỏi lãnh thổ châu Âu đang tỏ ra sự vô ích và trái với những lợi ích của các nước thành viên sử dụng khí đốt của Nga. Nhiều rào cản chính trị khác nhau đã được dựng lên nhằm chống lại các dự án đường ống khí đốt là North Stream 2 và TurkStream. Kết quả là, sự hiện diện của Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng của khu vực châu Á-TBD ngày càng gia tăng.
Phía Nga đã tuyên bố vector hướng Đông trong chính sách năng lượng của mình, đặt cược vào phát triển các cơ sở tài nguyên khí đốt của vùng Yakutsk và Irkutsk để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Ngoài ra, các nguồn cung cấp LNG từ Yamal cho khu vực châu Á-TBD đã bắt đầu khởi động. Hơn nữa, tập đoàn dầu khí nhà nước CNPC (Trung Quốc) đã sở hữu 20% cổ phần đại dự án Yamal LNG (trị giá 27 tỷ USD). Không lâu nữa, quá trình sản xuất LNG sẽ bắt đầu sử dụng nguồn tài nguyên ở khu vực Gydan và cụm mỏ Taimyr trong khuôn khổ dự án Arctic LNG 2 (tổng mức đầu tư 21 tỷ USD). Hai tập đầu dầu khí của Trung Quốc là CNPC và CNOOC đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng, sở hữu lần lượt mỗi bên 10% cổ phần dự án.
Việc Nga mở rộng đáng kể năng lực vận chuyển than qua cảng Nakhodka và các cảng xuất khẩu khác cũng nhằm vào thị trường châu Á-TBD. Nhu cầu bổ sung thêm một tuyến đường sắt bổ sung mới từ Yakutsk ra Thái Bình Dương buộc chính quyền Nga phải tức tốc chỉ đạo các công ty, thậm chí là lực lượng công binh khẩn trương xây dựng tuyến đường sắt mới, phục vụ xuất khẩu than. Do đó, một câu hỏi đặt ra là, các đổi thủ của Nga đã đạt kết quả gì khi nỗ lực đẩy nước này ra khỏi thị trường châu Âu?
Từ khi hệ thống vận chuyển dầu ESPO đi vào hoạt động đến năm 2019, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc. Sang năm 2020, Nga tụt xuống vị trí số 2 sau KSA, nhưng đồng thời nước này lại tăng nguồn cung than và LNG cho Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn dầu thô từ Mỹ sang nước này đã giảm 48% trong năm 2019. Nguyên nhân chính là do các cơ quan nhà nước Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu đối với dầu thô Mỹ. Chỉ sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền tại Mỹ, phía Trung Quốc mới giảm mức thuế này.
Đối với khí đốt đường ống, ngoài nguồn cung ổn định từ Turkmenistan, Trung Quốc đã đạt dấu mốc quan trọng khi bắt đầu nhập khí đốt Nga. Tháng 12/2019, đường ống khí đốt Power of Siberia đã chính thức vận hành, đảm bảo nguồn cung khí đốt Nga cho Trung Quốc trong vòng ít nhất 30 năm. Không dừng lại ở đó, đường ống khí đốt Power of Siberia 2 cũng đang được lên kế hoạch cung cấp khí đốt từ khu vực Tây Siberia, trung chuyển qua Mông Cổ đến Trung Quốc. Trong năm 2021, tuyến đường ống dẫn khí thứ tư của hệ thống đường ống Trung Á - Trung Quốc dự kiến đi vào hoạt động, góp phần cung cấp thêm khí đốt từ Turkmenistan cho Trung Quốc. Một tuyến đường ống khác từ Kazakhstan sang Trung Quốc dự kiến được hoàn thành vào năm 2023, sẽ bổ sung thêm cho nền kinh tế số 2 thế giới khoảng 10 tỷ m3/năm.
Sự phát triển các cơ sở tài nguyên mới ở khu vực Đông Siberia và Bắc Cực tại Nga sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa các thị trường mới, nơi có nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng. Theo đó, lợi ích của cả Nga và Trung Quốc sẽ là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung. Vì nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất và nhà nhập khẩu dầu khí hàng đầu thế giới có chung đường biên giới, nên việc tăng cường hợp tác năng lượng Nga - Trung là điều hiển nhiên. Nhu cầu đa dạng hóa hướng xuất khẩu đã trở nên cấp thiết hơn đối với Nga sau khi nước này bị Mỹ/phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sau cuộc khủng hoảng năm 2014.
Đồng thời, sự lo ngại của phương Tây về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những động thái ngày càng tự lực, tự cường của mình buộc chính quyền nước này phải đánh giá lại các yếu tố cấu thành sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế để cân đối nguồn cung dầu thô và khí đốt cho mình.