icon icon icon

Petrovietnam với định hướng sản xuất và cung ứng với nguồn năng lượng Hydro xanh trong tương lai

Đăng bởi zoditech vào lúc 14/10/2021

Trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ Năng lượng thế giới năm 2021 với chủ đề “Kết nối các xã hội năng lượng – Năng lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, TS. Phan Ngọc Trung, Thành viên HĐTV Petrovietnam đã có bài tham luận với nội dung "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với định hướng sản xuất và cung ứng với nguồn năng lượng Hydro xanh trong tương lai". PetroTimes xin được đăng tải toàn văn bài tham luận.
 

Petrovietnam trong hệ thống năng lượng Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiền thân là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập vào ngày 03/9/1975. Petrovietnam hiện tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: Thăm dò - Khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; Dịch vụ dầu khí, trong đó lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là cốt lõi.

TS. Phan Ngọc Trung, Thành viên HĐTV Petrovietnam phát biểu tham luận tại chương trình

Petrovietnam là công ty dầu khí quốc gia (NOC) Việt Nam, do vậy chức năng, nhiệm vụ chính của Petrovietnam là quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước. Petrovietnam có vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế của đất nước, cụ thể trong việc: cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp như dầu mỏ và khí đốt; nguồn năng lượng cuối cùng như các sản phẩm xăng dầu và điện năng; ngoài ra, Petrovietnam góp phần phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia như các hệ thống đường ống vận chuyển, phân phối và xử lý dầu khí. Hiện Petrovietnam đang xây dựng điều chỉnh Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với định hướng phát triển trở thành Tập đoàn năng lượng, thân thiện với môi trường trong đó lĩnh vực dầu khí tiếp tục đóng vai trò nền tảng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều khó khăn thách thức, biến động mạnh của giá dầu, dịch bệnh Covid-19..., tuy nhiên, Petrovietnam về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, nổi bật là: Tổng sản lượng khai thác dầu khí 5 năm 2016 - 2020 đạt 121,14 triệu tấn quy dầu, trong đó khai thác dầu đạt 71,27 triệu tấn và khai thác khí đạt 49,87 tỷ m3 ;Sản xuất điện đạt 104,4 tỷ kWh; Sản phẩm lọc dầu đạt 50,23 triệu tấn; Sản xuất đạm đạt 8,28 triệu tấn; Nộp ngân sách nhà nước hàng năm, chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách của nhà nước và đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.

Petrovietnam là một trong các trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Vai trò Petrovietnam trong hệ thống năng lượng Việt Nam được thể hiện rõ trong giai đoạn 2010-2020 đóng góp trung bình hàng năm của Petrovietnam chiếm 25-27% tổng nhu cầu Năng lượng sơ cấp và 18-27% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam. Theo Chiến lược phát triển của Petrovietnam đến năm 2035, tỷ trọng đóng góp năng lượng của Petrovietnam cho đất nước sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, trung bình chiếm khoảng 25-30%.

“Hydro xanh” đối với hệ thống năng lượng Việt Nam

Hydro có một vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch năng lượng để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất tăng dưới mức 1,5-2oC vào cuối thế kỷ. Hydro có các vai trò chính trong chuyển dịch năng lượng bao gồm: Sản xuất điện năng và tích hợp năng lượng tái tạo quy mô lớn; Truyền tải và phân phối năng lượng giữa các khu vực, lĩnh vực sử dụng năng lượng khác nhau; Lưu trữ năng lượng để nâng cao tính ổn định của hệ thống; Khử các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải; lĩnh vực sử dụng năng lượng trong công nghiệp, dân dụng; Cung cấp nguyên liệu sạch cho các quá trình sản xuất công nghiệp.

Hydro có thể sử dụng để sản xuất điện năng, cấp nhiệt cho các khu công nghiệp, sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải đồng thời cũng có thể sử dụng làm nguyên liệu cho các quá trình sản xuất công nghiệp chủ yếu là sản xuất NH3 và sử dụng trong các quá trình nâng cấp sản phẩm của các nhà máy lọc dầu.

Tiềm năng to lớn như trên, thế giới đang hướng tới nền kinh tế Hydro trong đó hydro được sử dụng làm nhiên, nguyên liệu các-bon thấp để thay thế các loại nhiên, nguyên liệu hóa thạch. Tại Việt Nam, mặc dù hiện chưa công bố tham vọng phát thải ròng bằng không và chưa xây dựng chương trình phát triển Hydro. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã đặt các mục tiêu phát triển năng lượng sạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể như sau:

Tại Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam năm 2020 (NDC 2020), Việt Nam đặt chỉ tiêu giảm phát thải KNK 9% (bằng nguồn lực trong nước) và 27 % (nếu có hỗ trợ quốc tế).

Tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đã đưa mục tiêu giảm phát thải KNK từ hoạt động năng lượng đạt 15% vào 2030 và 20% vào 2045. Về tỷ trọng nguồn NLTT trên NLSC đạt 15-20% vào 2030 và 25-30% vào 2045.

Tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đề xuất tỷ trọng tổng công suất đặt nguồn Điện tái tạo chiếm 26% vào 2030 và 41% vào 2045, trong đó Điện gió chiếm 9% vào 2030 và 20% vào 2045.

Trong năm 2020, Việt Nam đã ban hành danh mục các Công nghệ cao được ưu tiên phát triển trong đó có nguồn năng lượng Hydro.

Mặc dù chi phí sản xuất Hydro xanh hiện nay có giá tương đối cao (khoảng hơn 8 USD/kg) với cơ cấu giá điện tái tạo chiếm khoảng 45%-75%, tuy nhiên theo các tổ chức dự báo quốc tế cho thấy đến 2030 giá Hydro xanh có thể giảm xuống 2$/kg (15 $/MMBtu) vào 2030 và 1$/kg (7,5 $/MMBtu) vào 2050 chủ yếu do giá điện tái tạo và chi phí hệ thống điện phân giảm mạnh. Với giá thành như trên Hydro xanh hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nhiên liệu truyền thống trong tương lai.

Tại Việt Nam, trong 02 năm gần đây chứng kiến sự phát triển bùng nổ của nguồn điện năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam đã đưa vào vận hành 99 MW nguồn điện gió, nhiều hơn Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa kỳ và xếp thứ ba ngoài Châu Âu. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi với tổng tiềm năng kỹ thuật ước đạt 162,2GW. Dự báo cho thấy, giá điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể giảm xuống 5 - 7 Uscent/kWh vào năm 2030 và dưới 2 - 4 Uscent/kWh vào 2050, tương đương mức giá Hydro xanh sản xuất từ điện gió ngoài khơi có thể giảm xuống 8-12 $/kg vào 2030 và 3-6 $/kg vào 2050.

Lợi thế của Petrovietnam trong phát triển “Hydro xanh”

Với nhiều điểm tương đồng giữa chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi giá trị của Hydro, các tập đoàn dầu khí quốc gia nói chung và Petrovietnam nói riêng có nhiều cơ hội và lợi thế trong việc phát triển lĩnh vực Hydro trên cơ sở những kinh nghiệm, hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí, cụ thể:

Về sản xuất Hydro: Hiện nay, Petrovietnam đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất Hydro xám tại các đơn vị thành viên như Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC);

Về vận chuyển, phân phối, tàng trữ Hydro: Cơ sở hạ tầng sẵn có của Petrovietnam như hệ thống đường ống vận chuyển và phân phối, các kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu … và kinh nghiệm vận hành hệ thống khí tự nhiên hoàn toàn có thể được chuyển đổi để ứng dụng cho lĩnh vực Hydro;

Về sử dụng Hydro: Các nhà máy lọc hóa dầu cũng như các nhà máy sản xuất phân đạm của Petrovietnam là những khách hàng trực tiếp sử dụng nguồn Hydro xanh để thay thế từng bước nguồn Hydro xám hiện nay. Ngoài ra, Petrovietnam có thể sử dụng Hydro xanh để chế biến nhiên liệu tổng hợp từ các nguồn khí có hàm lượng CO2 cao hiện có tại Việt Nam.

Ngoài lợi thế tương đồng về chuỗi giá trị dầu khí với chuỗi giá trị Hydro, Petrovietnam còn có lợi thế lớn trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi làm cơ sở để sản xuất Hydro xanh trong tương lai. Thế mạnh này xuất phát từ đặc điểm không gian hoạt động Thăm dò -Khai thác dầu khí của Petrovietnam trong hơn 40 năm qua chủ yếu tập trung tại khu vực ngoài khơi, trên thềm lục địa Việt Nam. Điều này thể hiện rõ thế mạnh về Cơ sở vật chất hạ tầng và năng lực tham gia phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, cụ thể như sau:

Cơ sở vật chất: Petrovietnam đang quản lý và vận hành hệ thống gồm các cảng dịch vụ trên cả 3 miền Bắc, miền Trung và miền Nam với các nhà xưởng và trang thiết bị chế tạo trên bờ. Ngoài ra, Petrovietnam hiện đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ (gần 100 chiếc) trên biển, với sự đa dạng về công suất và chủng loại tàu.

Năng lực phát triển các dự án điện gió ngoài khơi: Petrovietnam hiện là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về lĩnh vực cơ khí chế tạo, thi công, xây lắp và vận hành các công trình ngoài khơi. Nhờ vào thế mạnh về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực, Petrovietnam có lợi thế để tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn cho các dự án điện gió ngoài khơi trong cả vai trò chủ đầu tư và nhà thầu khi tham gia cung cấp dịch vụ trong tất cả các giai đoạn phát triển của dự án, bao gồm từ giai đoạn khởi động, khảo sát; giai đoạn thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành, bảo dưỡng các dự án/nhà máy điện gió.

Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Bên cạnh đó, là một công ty dầu khí quốc gia (NOC) Việt Nam, với tổng tải sản hiện hơn 36 tỷ USD và vốn chủ sở hữu gần 20 tỷ USD, Petrovietnam có tiềm lực lớn về tài chính, đảm bảo đủ nguồn vốn khi tham gia các dự án điện gió ngoài khơi. Hơn nữa, là doanh nghiệp nhà nước hàng đầu tại Việt Nam với hệ thống hạ tầng và cơ sở dữ liệu địa chất, thủy văn ngoài khơi, Petrovietnam hoàn toàn có điều kiện và lợi thế trong việc lựa chọn, tìm kiếm các vị trí tiềm năng, có tốc độ gió cao, ổn định phù hợp cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi hiệu quả.

Định hướng phát triển “Hydro xanh” của Petrovietnam

Dưới tác động của chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, hiện Petrovietnam đang triển khai điều chỉnh Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, liên quan đến việc thích ứng phát triển nguồn năng lượng sạch/mới, Petrovietnam xây dựng một số mục tiêu cụ thể như sau:

Mở rộng đầu tư lĩnh vực Điện và Năng lượng tái tạo: Đến 2030, Petrovietnam phấn đấu nâng Tổng công suất đặt đạt 8.000 – 14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm từ 8-10% tổng công suất Hệ thống điện Việt Nam và tỷ trong nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.

Sản xuất nhiên liệu các-bon thấp: Petrovietnam đặt mục tiêu sau năm 2030 sẽ triển khai sản xuất Hydro xanh trên cơ sở sử dụng nguồn điện tái tạo (điện gió ngoài khơi) do Petrovietnam sản xuất.

Để đạt được các mục tiêu Chiến lược nêu trên, Petrovietnam đưa ra lộ trình, các hướng triển khai, cụ thể như sau:

Điều chỉnh Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó tính tới chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số.

Xây dựng Lộ trình/Chương trình phát triển năng lượng Hydro xanh.

Triển khai các hoạt động R&D phát triển năng lượng Hydro, tập trung vào lĩnh vực: xác minh khả năng tồn tại Hydro tự nhiên dưới lòng đất; sản xuất Hydro xanh; vận chuyển, lưu trữ Hydro; sử dụng Hydro; và kinh doanh Hydro.

Đẩy mạnh triển khai các dự án điện gió ngoài khơi để sản xuất Hydro xanh.

Đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai xây dựng Trung tâm (Hubs) phân phối Hydro, ưu tiên gần cụm công nghiệp dầu khí tại Vũng Tàu, Dung Quất và Cà Mau.

Nghiên cứu từng bước thay thế sử dụng Hydro xanh làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy phân đạm, chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện khí/than của Petrovietnam sang sử dụng Hydro xanh.

Nghiên cứu phát triển các dự sản xuất hóa chất, nhiên liệu tổng hợp từ Hydro xanh và nguồn CO2 thu được từ các nhà máy và mỏ khí có hàm lượng CO2 cao.

Đánh giá tiềm năng xuất khẩu Hydro sang các nước, ưu tiên thị trường trong khu vực và các nước Đông Bắc Á.

Kết luận

Với khoảng thời gian hạn hẹp trong Chương trình Tuần lễ Năng lượng hôm nay, qua các nội dung trình bày nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng vai trò của Hydro ngày càng quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Là một công ty dầu khí quốc gia của Việt Nam đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời là một trong những trụ cột trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh chịu sự tác động trực tiếp của sự chuyển dịch năng lượng/biến đổi khí hậu, Petrovietnam có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Chính phủ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với lợi thế hình thành chuỗi dầu khí hoàn chỉnh từ thăm dò khai thác, xử lý, vận chuyển, chế biến, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí sau hơn 40 năm phát triển, Petrovietnam xác định phát triển sản xuất Hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi) là định hướng chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch/mới trong tương lai nhằm cung cấp nguồn năng lượng sạch bền vững cho đất nước trên cơ sở phát huy thế mạnh của hoạt động dầu khí ngoài khơi của Petrovietnam.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: