-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đường ống xăng dầu "huyền thoại" Trường Sơn
Đăng bởi zoditech vào lúc 21/09/2022
Dòng sông năng lượng chảy dọc Trường Sơn
Gần 7 năm băng sông, vượt núi dưới mưa bom bão đạn, Việt Nam đã xây dựng thành công tuyến ống dẫn xăng dầu kéo dài từ biên giới phía Bắc đến tận miền Nam. Đường ống như một dòng sông năng lượng, cung cấp xăng dầu cho chiến trường miền Nam, phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi đưa được xăng dầu đến được Hạ Lào, hành trình dẫn xăng dầu dọc Việt Nam lại tiếp tục gặp khó khi bơm cao áp ngày càng thiếu vì chưa thể nhận được sự chi viện của nước bạn. Gặp khó, sự can trường, tinh thần sáng tạo của bộ đội Trường Sơn đã được phát huy.
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện quyết định cho tháo bơm của Liên Xô để các kỹ sư, công nhân có tay nghề cơ khí giỏi tiến hành đo đạc chi tiết, chế tạo thử. Trực tiếp chứng kiến và góp ý, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) đã chạy thử chiếc máy bơm đầu tiên ở Cầu Diễn (Hà Nội). Sau khi thử nghiệm thành công, các nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Dương và Trần Hưng Đạo lập tức được giao nhiệm vụ chế tạo hàng trăm chiếc bơm đủ đáp ứng cho tuyến ống dẫn dầu kéo dài.
Vấn đề máy bơm dầu bước đầu được tháo gỡ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đưa ra chủ trương lấy đoạn thử nghiệm X42 (đoạn từ Truông Bồn, huyện Đô Lương, Nghệ An qua sông Lam về Nga Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) làm trung điểm mở rộng ra hai đầu Bắc - Nam. Phần hướng ra Bắc nối đến vùng không có chiến sự để tạo nguồn xăng dầu ổn định. Phần hướng vào Nam bảo đảm cho việc vận chuyển xăng dầu chiến lược, chi viện nhiên liệu cho miền Nam. Để bảo đảm an toàn và thuận tiện trong việc vận chuyển xăng dầu, tuyến dẫn vào Nam được chia làm 2 ngả Tây và Đông Trường Sơn với tổng chiều dài gần 700km.
Hướng Tây Trường Sơn có chiều dài 350km, từ Nghệ An vượt qua biên giới đến Trung Lào qua Kavát. Đặc biệt gian nan khi ống dẫn dầu phải vượt qua đèo Mụ Dạ (Quảng Bình) cao hàng nghìn mét. Các cán bộ, chiến sĩ buộc phải tháo bơm để vác lên núi, cách 100-200m đặt một máy bơm đẩy, luân phiên bơm xăng qua. Cuối cùng, ngày 9-3-1969, xăng đã vượt hàng trăm km đến Kavát, sau đó vươn sâu vào phía Nam đến Hạ Lào, qua Tây Nguyên vào đến Đông Nam Bộ.
Mùa xuân năm 1969, tuyến dẫn xăng dầu Đông Trường Sơn cũng được thi công. Bắt đầu từ Cẩm Ly (huyện Lệ Ninh, nay là Lệ Thủy và Quảng Ninh, Quảng Bình) theo đường 10 vào Bến Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) qua A Lưới (Thừa Thiên Huế) đến Kon Tum, vượt đèo Đá Bàn (Quảng Ngãi) có độ cao hơn 1.000m.
Giữa năm 1970, Tổng cục Hậu cần tận dụng thời gian Mỹ ngừng ném bom, chỉ đạo làm tiếp một đoạn đường đưa xăng dầu trực tiếp từ Hà Nội vào Nghệ An. Cuối năm 1971, đường ống dẫn xăng dầu từ tổng kho dự trữ xăng dầu lớn nhất của miền Bắc đặt tại Nhân Vực (phía Nam Hà Nội) hoàn thành và đưa trực tiếp xăng dầu qua hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn.
Mùa xuân năm 1972, đế quốc Mỹ trở lại tàn phá miền Bắc, phong tỏa các cảng biển như Hải Phòng, Cẩm Phả... khiến nguồn xăng đưa từ cảng về bị cắt đứt, miền Bắc rơi vào tình trạng thiếu xăng dầu trầm trọng. Tuy không thể nhập xăng dầu từ nước ngoài vào cảng biển, nhưng thông qua Trung Quốc, xăng dầu vẫn tiếp tục đi vào biên giới Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ quyết định làm hai đường ống dẫn xăng dầu. Đường ống thứ nhất đi từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) về Hải Dương sau đó về Nhân Vực. Đường ống thứ hai từ Lạng Sơn nối dài đến Nhân Vực, được đặt tên là T72 (sau này có thêm tuyến T72B từ Móng Cái về Nhân Vực). Từ đây, đường ống vận chuyển xăng dầu tiếp tục lưu thông từ biên giới vào tận miền Nam.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, việc cấp tốc vận chuyển xăng dầu, chi viện cho miền Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công được đẩy nhanh tiến độ. Hai đường ống Đông và Tây Trường Sơn kéo dài gặp nhau tại Kon Tum, các tuyến dẫn xăng dầu khác băng sông, vượt núi nối liền vào đến Bù Gia Mập (Bình Phước), kết thúc hành trình với tổng chiều dài các đường ống (tính cả các ống song song) gần 5.000km.
Trong hành trình vận chuyển xăng dầu từ biên giới Việt - Trung vào Đông Nam Bộ, tuyến ống dẫn xăng dầu của Việt Nam khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải khâm phục. Khó khăn lớn nhất trong suốt 7 năm xây dựng là đế quốc Mỹ liên tục bắn phá, thả bom cản trở việc xây dựng, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Địa hình hiểm trở của núi rừng Việt Nam, dãy Trường Sơn sừng sững trải dọc theo chiều dài đất nước, có nơi cao đến hàng nghìn mét khiến công tác xây dựng đường ống dẫn dầu gặp vô vàn thách thức. Đoạn ống vượt đèo Đá Bàn và đèo Mụ Dạ cao hàng nghìn mét, từng khiến nhiều chiến sĩ phải vác máy bơm nặng hàng trăm kg lên trên cao để liên tục bơm xăng dầu từ chân lên đỉnh núi.
Đường ống có lúc nằm trên cao theo sườn núi, lúc nằm ở đồng bằng bằng phẳng và xuyên qua lòng sông. Đoạn sông Lam (Nghệ An) chảy xiết khiến việc vận chuyển ống nặng hàng trăm tấn không hề dễ dàng. Nhưng dưới sự chỉ huy của ông Phan Tử Quang, đoạn ống dầu từ Nghệ An vượt sông Lam về Hà Tĩnh đã hoàn thành trong 41 ngày.
Trải qua hành trình dài 7 năm, tổng số lượng xăng dầu cho miền Nam Việt Nam tới 5,5 triệu m3, góp công lớn cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Sự chi viện của Liên Xô với 8 bộ đường ống dẫn dầu và nhiều máy bơm cao áp, Trung Quốc với hơn 40 bộ ống dẫn dầu dã chiến, 5 bộ ống hàn và Tiệp Khắc (tên gọi cũ của Cộng hòa Séc) với hơn 100 xe chở ống chuyên dụng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành đường ống.
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, ngành xăng dầu quân đội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Không có đường ống xăng dầu thì không thể có đánh lớn. Cùng một lúc huy động 5 quân đoàn và hàng chục vạn xe, pháo tham gia chiến dịch, xăng dầu phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời. Đây thực sự là chiến công của những con người dũng cảm, sáng tạo, đầy tài nghệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Sau hơn 50 năm thực hiện sứ mệnh cao cả, tuyến dẫn dầu huyền thoại đã dần được thay thế bằng nhiều công cụ vận chuyển khác hiện đại hơn như hàng không, hàng hải và đường bộ. Nhiều tuyến ống không còn phù hợp cho thời bình nên đã hư hại, xuống cấp và không thể tái sử dụng, hiện được lưu giữ như một “chứng nhân lịch sử” trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam.