icon icon icon

Bộ Công Thương quyết ghìm giá xăng dầu trong nước

Đăng bởi zoditech vào lúc 16/03/2022

 

Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng các bộ, ban, ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí, các loại chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
 

Để có cơ hội ghìm tốc độ tăng giá trong bối cảnh diễn biến không thuận của giá xăng dầu thế giới, Bộ Công Thương vừa đề xuất một số giải pháp điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Giá xăng dầu tăng đột biến trong hơn 2 tháng qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Trong đó, chú trọng bảo đảm nguồn cung thông qua chỉ đạo các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng nhập gấp 3 lần bình thường để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng giao chỉ tiêu nhập bổ sung cho 10 doanh nghiệp đầu mối và định kỳ kiểm tra việc nhập khẩu để đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung trong bất kỳ tình huống nào, phát động sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu. Đồng thời tiếp tục điều hành giá theo Nghị định số 95/2021/ND-CP ngày 1/11/2021.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác có liên quan tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình thế giới về mặt hàng xăng dầu để kịp thời tham mưu phương án ứng phó phù hợp. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, điều hành một cách tổng thể để đảm bảo nguồn cung, nguồn dự trữ xăng dầu cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế đất nước trong mọi tình huống;

Vụ Thị trường trong nước cũng rà soát, đánh giá chính xác nguồn cung trong nước và nhu cầu sử dụng thực tế để có phương án nhập khẩu bù đắp thiếu hụt hợp lý. Đây là cơ sở để việc điều hành giá xăng dầu cần theo hướng tiệm cận giá thế giới và tiến hành rà soát thường xuyên để kịp thời báo cáo sự biến động giá xăng dầu với Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ban, ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí (Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế bảo vệ môi trường), các loại chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam…) để có cơ hội ghìm tốc độ tăng giá trong bối cảnh diễn biến không thuận của giá xăng dầu thế giới.

Việc Bộ Công Thương thể hiện quyết tâm và hành động nhanh trong việc ghìm giá xăng dầu là đáng hoan nghênh. Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân ngay sau khi phải hứng chịu sự "tàn phá" của đại dịch Covid-19, đây là lúc cần hơn bao giờ hết sự can thiệp mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác điều hành giá những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Tùng Dương

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: